[Báo Tuổi Trẻ] Chuyện thay đổi của một doanh nghiệp sau cổ phần hóa
Đại diện công ty cho rằng đây là bước đánh dấu bước thay đổi lớn của một thương hiệu đã “đi vào lối mòn” trong nhiều năm qua.
Khi đổi mới không được coi là cần thiết
Thập niên 1980, xe đạp Xuân Hòa nổi lên như một hiện tượng. Người Hà Nội, dân miền Bắc, vốn chỉ quen với xe đạp Thống Nhất, xe đạp Trung Quốc, bỗng được đón nhận một dòng sản phẩm mới bền, đẹp, với giá thành rất “mềm mại” của Xí nghiệp xe đạp Xuân Hòa – một doanh nghiệp trực thuộc UBND TP Hà Nội. Xe đạp Xuân Hòa nhanh chóng đi vào từng “ngõ ngách”, từ thành phố tới nông thôn.
Cũng từ ấy, cái tên Xuân Hòa trở thành một biểu tượng đẹp của ngành cơ khí thủ đô. Sau thành công với sản phẩm xe đạp, “thừa thắng xông lên”, Xuân Hòa cho ra đời những sản phẩm nội thất, chủ yếu là bàn ghế. Sản phẩm bàn ghế Xuân Hòa thậm chí còn “nổi” hơn cả xe đạp. Độ phổ biến rộng đến mức gần như “đóng đinh” trong suy nghĩ của người tiêu dùng khi nghĩ tới việc mua bàn ghế.
Đặc biệt, từ năm 1996, Xuân Hòa đã góp vốn đầu tư vào Công ty TNHH Toyota Boshoku chuyên sản xuất ghế ôtô cho Tập đoàn Toyota. Đây có thể được coi là một bước đột phá của ngành cơ khí Việt Nam. Bởi lúc đó, và cả sau này khá hiếm doanh nghiệp cơ khí Việt có đủ khả năng đáp ứng những yêu cầu vô cùng khắt khe của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Toyota.
Sau Toyota, Xuân Hòa tiếp tục nhận được sự tin tưởng của của nhiều đối tác nước ngoài, trở thành đơn vị gia công sản phẩm cho các công ty hàng đầu thế giới như: Ikea (Thụy Điển), Sankin (Nhật Bản), Habitat (Pháp)… Xuân Hòa đã trở thành một trong không nhiều doanh nghiệp Việt Nam, từ hai thập kỷ trước, đã tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thị phần được giữ vững cả trong và ngoài nước, doanh thu tăng trưởng đều đặn, dường như sự đổi mới trở nên không “cần thiết” đối với Xuân Hòa.
Tháng 11-2015, theo lộ trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, công ty TNHH một thành viên được chuyển thành công ty cổ phần. Ấy là một cuộc “thay tên đổi họ” thuận lợi vì Xuân Hòa đã có một nền tảng vững chắc. Thế nhưng, cũng từ thời điểm đó, từ hội đồng quản trị, ban giám đốc đến từng công nhân trong số hơn 600 người lao động của Xuân Hòa đều nhận ra một điều, trên một thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay, sự “hài lòng” đồng nghĩa với sự “tụt hậu”.
Nữ công nhân trong xưởng cơ khí số 2 Xuân Hòa làm việc cùng robot hàn Panasonic hiện đại |
Những thay đổi sau cổ phần hóa
Sự cải tiến của Xuân Hòa bắt đầu từ việc xác định phương hướng đầu tư. Ban lãnh đạo Công ty CP Xuân Hòa đã thực hiện một bài toán vô cùng khôn ngoan. Đó là tập trung vào phần “lõi” của quy trình sản xuất chứ chưa đầu tư vào hệ thống nhà xưởng.
Sự cải tiến phần “lõi” của Xuân Hòa gồm ba lĩnh vực: quản trị doanh nghiệp tiên tiến, đầu tư máy móc công nghệ hiện đại và marketing chuyên nghiệp.
Ở lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, Xuân Hòa thuê các chuyên gia giỏi của Nhật với nhiều năm kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp để tư vấn, đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân viên theo tiêu chuẩn quốc tế: TPS, 5S, Lean 6Sigma, KPI, Kaizen…
Trong đó, đặc biệt là việc thuê ông Junji Hori, chuyên gia tư vấn độc lập về quản lý sản xuất TPS (Toyota Production System), nguyên giám đốc quản lý sản xuất của Công ty Toyota Việt Nam, về làm tư vấn về năng suất chất lượng cho Xuân Hòa. Ông Hori đã xây dựng một kế hoạch Kaizen (trong tiếng Nhật là “cải tiến”) với sáu mục tiêu chính:
- giảm lượng hàng tồn kho;
- tiết giảm thời gian;
- tập trung xử lý các điểm bị mắc trong các công đoạn sản xuất;
- thay đổi, cải tiến phương pháp chỉ đạo sản xuất; tập trung làm những sản phẩm mang tính chất quyết định, phòng tránh được hàng lỗi.
Ngoài sản phẩm chính là nội thất, Xuân Hòa còn gia công cho các đơn nổi tiếng khác. Trong ảnh: công nhân Xuân Hòa tiến hành xếp ốc vít để mạ cho Honda |
Ở lĩnh vực thứ hai, Công ty CP Xuân Hòa đã mạnh dạn đầu tư hàng chục tỉ đồng cho những máy móc, dây chuyền công nghệ hiện đại nhất thế giới. Đó là máy đột dập AMADA (Nhật), máy uốn P2 lean Salvagnini (Ý), máy hàn robot Panasonic (Nhật)… Với hệ thống thiết bị mới, trước tiên quy trình sản xuất được rút gọn. Thứ hai, tốc độ cho ra đời một sản phẩm nhanh gấp hàng chục lần so với trước kia. Năng suất tăng vọt, khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường của Xuân Hòa được bảo đảm.
Cái “lõi” thứ ba, ngay trong năm 2015, Xuân Hòa đã đầu tư ngân sách dành cho marketing một cách chuyên nghiệp: mở rộng hệ thống bán hàng từ 300 đến 1.500 điểm, đội ngũ nhân sự được đào tạo và triển khai bài bản với tiêu chuẩn quốc tế.
Sự quyết liệt đổi mới từ cái “lõi” và những thành quả mang tính chất đột phá vừa đạt được đã trở thành nền tảng để ban lãnh đạo Công ty CP Xuân Hòa quyết định đưa ra bộ nhận diện thương hiệu, slogan mới: “Mãi gắn bó. Mãi bền lâu”. Với hai màu chủ đạo là đỏ và trắng, ý nghĩa của bộ nhận diện mới được ông Lê Duy Anh, tổng giám đốc Công ty CP Xuân Hòa Việt Nam, chia sẻ: “Hệ thống nhận diện thương hiệu mới chính là lời cam kết đối với tất cả người tiêu dùng, đối tác trong và ngoài nước về chất lượng hàng hóa, dịch vụ do Xuân Hòa cung cấp”.
THU THẢO Báo TuoiTre
Trả lời